TUYÊN TRUYỀN kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Quế Sơn (26/3/1975 - 26/3/2022)

Thứ tư - 23/03/2022 10:44
TUYÊN TRUYỀN kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Quế Sơn (26/3/1975 - 26/3/2022)

Vào những ngày này, cách đây 47 năm, cùng với cả tỉnh và toàn Miền Nam, quân và dân Quế Sơn dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện đã nhất tề đứng lên làm cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn huyện nhà, góp phần  viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc trong thế kỷ XX: Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giair phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
I- QUẾ SƠN QUA NHỮNG BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA 02 CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG NGOẠI XÂM TIẾN TỚI NGÀY TOÀN THẮNG (26/3/1975)
Quế Sơn là một địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, là tiền đồn để địch ngăn chặn sự tấn công của quân và dân ta từ các vùng căn cứ cách mạng, các an toàn khu xuống vùng đồng bằng và đô thị, là “cửa ngõ” để ta đưa các lực lượng thâm nhập vào vùng địch chiếm đóng.
Chính vị trí quan trọng đó, lại từng trải qua lịch sử hàng trăm năm chống chọi với thiên tai, địch họa để xây dựng nên mảnh đất Quế Sơn anh hùng, đã hun đúc nên con người Quế Sơn truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần lao động cần cù, thông minh sáng tạo; ý thức cộng đồng và tình cảm thương yêu, đoàn kết để chống chọi với kẻ thù, bảo vệ quê hương.
Ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng (1858) đã có hàng trăm thanh niên Quế Sơn lên đường tham gia chống giặc ngoại xâm. Trong những năm 80 của thế kỷ XIX, các địa danh Bằng Thùng - Trung Lộc luôn luôn gắn liền với nghĩa hội Cần Vương của Nguyễn Duy Hiệu. Năm 1930, hơn 02 tháng sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 16/4/1930 chi bộ cộng sản đầu tiên ở Quế Sơn được thành lập và nhanh chóng phát triển; ngày 16/9/1930, Đảng bộ Quế Sơn ra đời lãnh đạo phong trào cách mạng toàn huyện.
Với khí thế sục sôi cách mạng, ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, hơn 5.000 đồng bào Quế Sơn rầm rập từ các ngả đổ về, bao vây huyện đường, buộc tên huyện trưởng và đồng bọn đầu hàng, giao chính quyền cho cách mạng, góp phần làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do.
Tuy nhiên, nền độc lập mới giành được chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Cùng với cả nước, quân và dân Quế Sơn tiếp tục tổ chức nhiều trận phục kích, tập kích bất ngờ để tiêu diệt sinh lực địch, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề, hầu hết địa bàn Quế Sơn trong kháng chiến chống Pháp là vùng tự do với hàng ngàn thanh niên tham gia bộ đội phục vụ chiến trường, mỗi xã có từ 02 đến 03 đại đội dân công phục vụ hỏa tuyến, có 03 đến 05 đại đội phục vụ chiến trường trong tỉnh. Khi quân Pháp đánh chiếm Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc…, Quế Sơn trở thành điểm đến của hàng vạn đồng bào tản cư. Với tinh thần “tương thân tương trợ”, cán bộ, nhân dân Quế Sơn sẵn lòng tiếp đón, chia sẻ nơi ăn, chỗ ở, phương tiện sinh hoạt giúp đồng bào tản cư vượt qua khó khăn, cùng nhân dân huyện nhà ổn định cuộc sống, tăng gia sản xuất.
Suốt 09 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Quế Sơn vừa làm nhiệm vụ của một hậu phương, vừa làm nhiệm vụ của một tiền tuyến lớn trên chiến trường Trung Trung Bộ. Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đã cầm súng chiến đấu anh dũng, ngoan cường, tiến hành hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ; góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương.
Hiệp định Giơ-ne-vơ không được thực thi nghiêm chỉnh, Mỹ - một đế quốc giàu mạnh và hiếu chiến nhất thế giới đã nhảy vào xâm lược miền Nam. Từ một địa phương tự do, Quế Sơn trở thành vùng địch chiếm đóng. Luật 10/59 của Mỹ - Diệm đã lê máy chém đi khắp nơi, ráo riết thực hiện chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, nhiều cán bộ, đảng viên bị địch bắt tra tấn, đánh đập dã man, thủ tiêu… làm cho phong trào cách mạng gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng kẻ thù không ngờ tội ác man rợ của chúng càng làm nung nấu lòng căm thù giặc sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ ta. Chỉ trong vòng 5 tháng, từ cuối tháng 01 đến đầu tháng 6 năm 1965, ta đã giải phóng được 22/29 xã, làm tan rã hệ thống “ấp chiến lược”, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy. Thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, với hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” đầy nham hiểm, tàn khốc. Qua một thời gian chuẩn bị tinh thần, lực lượng, với quyết tâm của Đảng bộ và sự hưởng ứng của nhân dân, chúng ta đã giữ vững thế trận chiến tranh nhân dân; đồng loạt mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; chiến công nối tiếp chiến công, những cuộc tấn công liên tục, mạnh mẽ của quân dân Quế Sơn góp phần cùng cả nước làm thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ”, chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”.
Tiếp đó, Xuân - Hè 1972, cùng với chiến công trên chiến trường Trị Thiên, Bình Long, Phước Long anh dũng, quân dân Quế Sơn đã phối hợp với bộ đội chủ lực tiến công và nổi dậy, tiêu diệt căn cứ Cấm Dơi và cắm ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên trung tâm huyện lỵ, góp phần buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, rút quân về nước (27/01/1973). Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, Mỹ vẫn chưa từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta; chúng “thay màu da trên xác chết”, dùng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ để biến miền Nam - Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ và âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta.
Tiếp nối truyền thống và thực hiện chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, những người con Quế Sơn, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã anh dũng chiến đấu với nhiều cuộc tiến công từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, tiến đến giải phóng hoàn toàn quê hương.
Tháng 7/1974, ta đã tấn công tiêu diệt các cứ điểm, giải phóng Nông Sơn - Trung Phước. Từ đầu tháng 3 năm 1975, chấp hành chủ trương của Tỉnh ủy, Huyện ủy đã chỉ đạo các lực lượng nỗ lực tiến công tiêu diệt địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy giải phóng khỏi ách kìm kẹp của địch, tạo thế bao vây chia cắt địch, chia cắt các trục giao thông quan trọng. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể phân công người xuống các địa bàn chỉ đạo tiến công và nổi dậy.
Nhiều nơi, lực lượng quần chúng đã tổ chức mít tinh lên án tội ác địch, phát tán 26.000 tờ truyền đơn, 219 thư tay, 400 thiệp chúc Tết, 165 tờ áp phích các loại, 180 lần gọi loa vào đồn bốt địch. Mở màn chiến dịch giải phóng huyện nhà, ngày 14 tháng 3, lực lượng bộ đội huyện phối hợp cùng với du kích các xã Phú Diên, Phú Hương, Phú Thạnh bắt đầu nổ súng tấn công chốt điểm dốc Ông Hùng và một số nơi khác xung quanh Quốc lộ 1A.
Ngày 19/3/1975, bộ đội huyện lại phối hợp với du kích xã chủ động tiến công đồn Cây Thị, đánh vào đồn thôn 8 Cây Sanh và thôn 6 Phú Phong. Từ ngày 20 đến ngày 24 tháng 3, lực lượng của huyện đã tiến công, truy kích tiêu diệt địch ở Hòn Hỏa (Sơn Trung), khu dồn Gò Đồng Mặt và Hòn Đụn (Sơn Thượng), đánh đồn Đá Dõ, Gò Váy và Rừng Lớn (Sơn Thanh); đồn Ông Lặn, Núi Vàng (Phú Thọ); giải tán các khu dồn Nhà Tằm (Sơn Lãnh), diệt các chốt điểm gò Ông Búp (Sơn Thanh), Gò Gai (Sơn Thành), Đồn Chùa, Gò Dê (Phú Diên), Núi Đất (Phú Thạnh).
Đại bộ phận lực lượng vũ trang của khu và tỉnh, sau khi giải phóng hoàn toàn thị xã Tam Kỳ, đã nhanh chóng phát triển ra phía Bắc thị xã để truy quét địch và thần tốc tiến về giải phóng thành phố Đà Nẵng. Bộ đội địa phương các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang tỉnh chặn đánh tan tác bọn tàn quân địch đang có ý định co cụm lại để chặn đường tiến quân của ta vào Đà Nẵng. Tiểu đoàn 72 tổ chức chốt chặn đoạn Quốc lộ 1A ở khu vực Cống Ba. Tiểu đoàn 70 đánh địch và làm chủ khu vực Mộc Bài, phát triển về phía cầu Hương An. Lực lượng du kích các xã Phú Diên, Phú Phong, Phú Thạnh chốt chặn địch ở đầu cầu Bà Rén. Đường số 1 bị cắt đứt hoàn toàn, quân địch ở cánh Nam không còn đường co cụm về Đà Nẵng. Chúng sử dụng pháo binh, máy bay đánh phá mở đường, nhưng không hiệu quả.
Trước diễn biến nhanh chóng của tình hình, từ ngày 25/3/1975, quân địch ở trung tâm quận lỵ Quế Sơn đã bắt đầu hoảng loạn, nhiều đơn vị địch tự động tan rã, phần lớn ngụy quyền bỏ nhiệm sở tìm đường thoát thân. Các lực lượng của huyện lần lượt tiếp quản các căn cứ, chốt điểm của địch. Trung đoàn 51 thuộc Sư 3 ngụy đóng ở Động Mông, Đá Hàm, Cấm Dơi trên đường rút chạy đã cho công binh rải mìn chống tăng trên trục đường 105.
Từ chiều ngày 25 tháng 3, lực lượng địch còn lại ở trung tâm quận lỵ Quế Sơn đã không còn tổ chức kháng cự nữa. Trong đêm 25, lực lượng địch chốt giữ ở căn cứ Núi Quế đã hoàn toàn tan rã. Rạng sáng ngày 26/3/1975, các lực lượng của huyện cùng lực lượng tỉnh phát triển vào chiếm lĩnh căn cứ Núi Quế và trung tâm quận lỵ (mới). Dân quân du kích và quần chúng cách mạng nhanh chóng chiếm lĩnh trụ sở ngụy quyền xã ấp, làm chủ hoàn toàn tình hình ở cơ sở. Đây là thời điểm lịch sử, đánh dấu huyện Quế Sơn đã hoàn toàn giải phóng sau 21 năm cùng cả nước thực hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Những tên đất, tên làng như Gò Dê, Bà Rén, Mộc Bài, Động Mộng, Đá Hàm, Dương Là, Liệt Kiểm, Cấm Dơi, Hòn Chiêng…gắn liền với những chiến công hiển hách, tô thắm những trang sử vẻ vang của Đảng bộ, góp phần vào sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc.
Vinh quang nào cũng phải đánh đổi, thậm chí phải bằng cả máu xương. Qua 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, toàn huyện có 7.068 liệt sĩ; 4.744 thương bệnh binh; hàng ngàn liệt sĩ là con em của mọi miền Tổ quốc đến công tác, chiến đấu hy sinh trên mảnh đất Quế Sơn thân yêu này. Với cống hiến và hy sinh to lớn ấy, Đảng bộ, nhân dân Quế Sơn cùng 14 xã, 12 cá nhân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 1.763 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 29 ngàn người được tặng thưởng huân, huy chương các hạng và bằng khen thành tích kháng chiến. Thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mãi mãi tự hào về những chiến công oanh liệt, những hy sinh, cống hiến, những tấm gương kiên trung, bất khuất của cha anh. 
II- Ý NGHĨA  LỊCH SỬ VÀ NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI.
Là vùng đất có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, với thế núi, thế sông hiểm trở, cùng với ý chí cách mạng kiên cường của nhân dân, Quế Sơn luôn được chọn làm căn cứ địa cách mạng vững chắc, địa điểm hoạt động an toàn của Khu ủy, Tỉnh ủy trong các cuộc kháng chiến. Thực tiễn đã chứng minh rằng: Trong bất kỳ tình huống khó khăn, gian khổ nào, quân và dân Quế Sơn vẫn nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất, quyết tâm chiến thắng kẻ thù, bảo vệ quê hương. Phát huy được truyền thống yêu nước nồng nàn, với ý chí quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược, đập tan bè lũ tay sai, giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Hơn 20 năm chiến đấu với tinh thần “Một tấc không đi, một ly không rời”, quân dân Quế Sơn đã kiên cường bám trụ, bất chấp hiểm nguy, vượt qua vô vàn gian khó, sống trong mưa bom, bão đạn, tiến hành hàng ngàn trận đánh lớn nhỏ, làm tan rã hoàn toàn bộ máy đàn áp của Mỹ - ngụy trên đất Quế Sơn. Chiến thắng Quế Sơn có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần cùng các mũi tiến công của quân và dân tỉnh Quảng Nam từ các hướng như Tam Kỳ, Tiên Phước, Thăng Bình thần tốc thẳng tiến ra phía Bắc giải phóng các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An và thành phố Đà Nẵng; góp phần làm nên mùa Xuân lịch sử của quân và dân toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung và nhân dân huyện nhà Quế Sơn nói riêng. Là sức mạnh cùng quân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 Thắng lợi ngày 26/3/1975 của Đảng bộ, quân và dân Quế Sơn đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng huyện nhà, góp phần cùng cả nước đuổi sạch quân xâm lược, chấm dứt vĩnh viễn ách nô lệ của bọn đế quốc và tay sai. Từ đây, nhân dân thực sự trở thành người làm chủ quê hương, kết thúc những tháng năm chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đổi oanh liệt dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
­ Thắng lợi của 02 cuộc kháng chiến thần thánh mà quân và dân huyện nhà giành được bắt nguồn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sáng tạo, linh hoạt của Huyện ủy, Tỉnh ủy, Khu ủy; sự vận dụng tài tình đường lối kháng chiến và phương châm đấu tranh chống ngoại xâm của Đảng bộ vào hoàn cảnh cụ thể ở địa phương, sự phối hợp hỗ trợ của các huyện bạn, đặc biệt có sự chi viện, giúp sức của miền Bắc, trong đó có huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) kết nghĩa.
III- PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG TRONG SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA - HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC.
 Chiến tranh đi qua, ước vọng độc lập, tự do của nhân dân ta đã thành hiện thực. Phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm; Đảng bộ Quế Sơn đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống, bắt tay vào xây dựng lại quê hương từ trong hoang tàn đổ nát, đến nay đã đạt được những thành tựu quan trọng.
47 năm sau ngày giải phóng, trên mảnh đất Quế Sơn này, chúng ta vui mừng nhận thấy nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi, công trình phúc lợi phục vụ dân sinh như trường học, bệnh viện, trạm xá được đầu tư xây dựng khang trang cùng với những nhà máy, công trường, cụm, khu công nghiệp mọc lên khắp huyện đã đáp ứng phần lớn nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
Từ những bãi mìn, hố bom, cánh đồng hoang hoá, giờ đây trở thành những đồng lúa, nương khoai, những thảm keo tràm xanh ngát. Được sự hỗ trợ về kỹ thuật của ngành chuyên môn, đặc biệt với nhiều cách làm hay, sáng tạo của người dân, nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao đã xuất hiện và lan tỏa ngày càng sâu rộng.
Từ một huyện thường xuyên thiếu ăn, đến nay Quế Sơn không chỉ đảm bảo được an ninh lương thực mà cơ bản đã chuyển sang nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nhiều cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng kỹ thuật cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp được triển khai thực hiện. Từ một vùng nông thôn nghèo, giao thông cách trở, giờ đây hệ thống đường giao thông nối liền các thôn, xã, liên huyện đa số đã được kiên cố hóa, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa trong đó đã bê tông hóa được 471,74 km đường giao thông nông thôn; có 162,15/193 km đường ĐH được mở rộng, nâng cấp bằng bê tông xi măng hoặc thâm nhập nhựa; nhiều công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất và nâng cao điều kiện dân sinh. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 5 năm qua là 16,17%; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 38,02 triệu đồng/người (tăng 1,95 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 chỉ còn 3,45% (giảm 0,3% so với năm 2020); trên 70% hộ gia đình có nhà ở khang trang, không còn nhà tạm; hầu hết các gia đình đều có phương tiện nghe nhìn, có phương tiện đi lại bằng xe máy, nhiều hộ đã có ô tô; 100% trẻ em trong độ tuổi được huy động ra lớp;  trường học từng bước được xây dựng khang trang, đến nay, có 36/38 trường học đạt chuẩn Quốc gia; 13/13 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế; hệ thống trạm y tế xã, phòng khám khu vực, Trung tâm Y tế huyện được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng, đã có 06/11 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 12 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, phương thức sản xuất nông nghiệp và đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đô thị thị trấn Đông Phú, hoàn thành xây dựng Hương An đạt tiêu chuẩn đô thị loại V, trở thành huyện đầu tiên của tỉnh có 02 thị trấn. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở từng bước đi vào chiều sâu. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội được triển khai thực hiện chu đáo. Đến nay, tất cả đối tượng chính sách đã được hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà cửa khang trang. An ninh - quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
47 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân Quế Sơn được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 16 Huân chương Lao động các hạng; 02 Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, 36 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 63 Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh, 24 Cờ thi đua xuất sắc của các bộ, ngành TW; 16 đơn vị quyết thắng, hàng ngàn bằng khen, giấy khen của các ngành, các cấp.
­ Tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, với khí thế hào hùng của những ngày Tháng Ba lịch sử, quân và dân toàn huyện nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết nhất trí, đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương, hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV đã đề ra. Quyết tâm chỉnh đốn, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết TW4 (khóa XI, XII) “về xây dựng chỉnh đốn Đảng” thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị và chuyên đề toàn khoá “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Phấn khởi, tự hào kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng quê hương, với truyền thống văn hoá, yêu nước, cách mạng và bản chất cần cù, sáng tạo trong lao động, Đảng bộ và toàn dân, toàn quân huyện nhà quyết tâm xây dựng quê hương Quế Sơn ngày càng giàu đẹp, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
   Nguồn:                                             BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Giới thiệu chung

Giới thiệu chung

Hương An là một xã thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh  Quảng Nam. Xã Hương An có diện tích 11,169 km², dân số năm 2008 là 6450 người, mật độ dân số đạt 623 người/km², dân số năm 2017 đạt 9.122 người. Trong đó dân số thường trú 8.202 người, dân số tạm trú 98 người và dân số...

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?

Văn bản pháp quy

971/QĐ-UBND

Quyết định số 971/QĐ-UBND ngày 28/3/2019 (Danh mục TTHC lĩnh vực Sở Nội vụ)

Thời gian đăng: 29/05/2019

lượt xem: 814 | lượt tải:283

Quyết định số 1258/QĐ-UBND

Danh mục Thủ tục hành chính cấp xã

Thời gian đăng: 16/05/2019

lượt xem: 869 | lượt tải:277

Quyết định số 1257/QĐ-UBND

Danh mục Thủ tục hành chính cấp huyện

Thời gian đăng: 16/05/2019

lượt xem: 1089 | lượt tải:362

1

Quyết định số 1171/QĐ-UBND ngày 22/4/2019 (Danh mục TTHC lĩnh vực Sở Nông nghiệp)

Thời gian đăng: 29/05/2019

lượt xem: 762 | lượt tải:254

989/QĐ-UBND

Quyết định số 989/QĐ-UBND ngày 29/3/2019 (Danh mục TTHC lĩnh vực Sở Nông nghiệp)

Thời gian đăng: 29/05/2019

lượt xem: 1355 | lượt tải:382
Liên kết huyện
duong day nong
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây