Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Quế Sơn (16/9/1930-16/9/2020)

Thứ ba - 15/09/2020 18:54
Giữa thế kỷ 19 (1858), thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Giai cấp phong kiến chọn con đường đầu hàng đế quốc, phản bội dân tộc. Xã hội Việt Nam từ đó trở thành một xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Cũng như trên cả nước, ở Quế Sơn, thực dân Pháp tổ chức bộ máy thống trị kìm kẹp, thực hiện chính sách khai thác thuộc địa, bóc lột, bần cùng hoá nhân dân. Chúng chia Quế Sơn làm 04 tổng gồm 102 xã, với mạng lưới phòng nhì, mật thám, các sắc lính…để cai trị và bóc lột nhân dân ta về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa.... Không chịu cảnh làm thân nô lệ, các tầng lớp nhân dân yêu nước Quế Sơn đã hăng hái tham gia nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Tiêu biểu là phong trào Hường Hiệu với chiến khu Tân Tỉnh tại Quế Lộc. Nhưng những cuộc khởi nghĩa vũ trang, những cuộc đấu tranh dân sinh, dân chủ… mang tính tự phát, cuối cùng đều thất bại và bị dìm trong bể máu bởi sự đàn áp dã man của quân thù. Đất nước ta rơi vào giai đoạn khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.
Ngày 03/02/1930, sự kiện chính trị đặc biệt ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi - Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, chấm dứt sự khủng hoảng đường lối giải phóng dân tộc ở đầu thế kỷ XX; kể từ đây,  dân tộc Việt Nam có một chính đảng lãnh đạo tài tình, sáng suốt mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo sự chỉ đạo của Trung ương, ngày 28/3/1930 Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập và 18 ngày sau, ngày 16/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Quế Sơn ra đời tại Dốc Tầng - Quế Trạch (nay thuộc xã Quế Xuân 2) gồm 03 đảng viên do đồng chí Đoàn Xuân Trinh làm Bí thư. Không lâu sau, chi bộ Nghi Hạ - Nghi Trung (Quế Hiệp) và một tổ đảng ở Trung Phước (nay thuộc huyện Nông Sơn) được thành lập. Trên cơ sở đó, ngày 16 tháng 9 năm 1930, Tỉnh uỷ Quảng Nam quyết định thành lập Đảng bộ huyện Quế Sơn với 15 đảng viên, chỉ định đồng chí Đoàn Xuân Trinh làm Bí thư Huyện ủy lâm thời.
II. ĐẢNG BỘ QUẾ SƠN 90 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH (1930 - 2020)
1. Đảng bộ huyện Quế Sơn trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1930 - 1975)
Đảng bộ huyện Quế Sơn ra đời còn non trẻ, lực lượng cách mạng mỏng, kinh nghiệm lãnh đạo chưa nhiều; tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch; cuối năm 1930 bị địch khủng bố, đàn áp dã man nên tổ chức đảng ở Quế Sơn không tránh khỏi sự bể vỡ; nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt vào tù. Song được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Quảng Nam, tinh thần gan dạ, thông minh, khôn khéo của nhiều đảng viên, sự che chở đùm bọc của nhân dân, Đảng bộ huyện đã từng bước khôi phục và lãnh đạo nhân dân đấu tranh hưởng ứng phong trào “Nghệ Tĩnh đỏ” (1930 - 1931), cao trào vận động dân sinh, dân chủ (1936 - 1939). Tháng 7/1941 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện được củng cố lại, có 08 chi bộ với 42 đảng viên, thành lập 08 đội tự vệ, 117 tổ chức quần chúng. Cùng thời gian này, Quế Sơn được Tỉnh uỷ chọn làm địa điểm tổ chức Hội nghị Tỉnh uỷ tại Nghi Sơn (Quế Hiệp), Hội nghị tiếp thu Nghị quyết TW8 do Xứ uỷ Trung Kỳ truyền đạt (tháng 10/1941). Nghi Sơn, Lộc Đại (Quế Hiệp) trở thành địa điểm đóng trụ sở làm việc của các cơ quan Tỉnh uỷ, Xứ uỷ. Đây là điều kiện thuận lợi căn bản để Đảng bộ Quế Sơn đẩy mạnh phong trào; hàng loạt cuộc vận động tuyên truyền, mít tinh, diễn thuyết lớn được tổ chức, thu hút đông đảo nhân dân tham gia; băng, cờ, truyền đơn, khẩu hiệu được phát tán rộng rãi khắp các điểm đông người; các đoàn thể quần chúng đẩy mạnh hoạt động; khí thế phong trào cách mạng dấy lên mạnh mẽ, địch hoang mang, lo sợ.
Khi phong trào phát triển mạnh, đồng thời cũng bộc lộ những khiếm khuyết; nắm bắt được sơ hở của ta, bọn thống trị tập trung lực lượng đàn áp, khủng bố khốc liệt; hàng trăm cán bộ, đảng viên bị địch bắt, tra tấn hết sức dã man; song hầu hết đều tỏ rõ sự vững vàng, gan dạ, kiên cường chịu đựng hy sinh, gian khổ, quyết tâm giữ gìn khí tiết của người cộng sản, bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào. Trải qua gian lao, thử thách, cán bộ, đảng viên được rèn luyện, trưởng thành hơn. Chính tinh thần kiên trung, bất khuất ấy, đã tạo tiếng vang lớn về đấu tranh chính trị, cổ vũ phong trào cách mạng huyện nhà tiếp tục duy trì, phát triển. Lòng căm thù giặc ngoại xâm và bè lũ bán nước lên đến tột độ. Với khí thế sục sôi cách mạng, ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, hơn 5.000 đồng bào Quế Sơn rầm rập từ các ngả đổ về, bao vây huyện đường, buộc tên huyện trưởng và đồng bọn đầu hàng, giao chính quyền cho quân khởi nghĩa. Từ giờ phút đó, khắp trung tâm huyện lỵ, cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới, khẳng định thắng lợi của cuộc đấu tranh bất khuất, kiên cường, dũng cảm của nhân dân ta.
Sau khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do. Tuy nhiên, nền độc lập mới giành được đang đứng trước muôn vàn khó khăn, nhà nước còn non trẻ, các thế lực thù địch đang mưu toan cướp nước ta một lần nữa. Trên địa bàn huyện Quế Sơn nhất là sau khi quân Pháp chiếm đóng ở Núi Đất (7/1947), chúng tập trung đánh phá, bắn giết, đốt nhà, cướp của của nhân dân ta nhất là khu vực vùng Đông của huyện. Để giữ vững thành quả cách mạng, cùng với việc lãnh đạo nhân dân “diệt giặc đói” “diệt giặc dốt”, hưởng ứng “tuần lễ vàng”, “tuần lễ đồng” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, Đảng bộ huyện tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất vào ngày 07/6/1946.
Tiếp tục đối phó với địch, ta đã tổ chức nhiều trận đánh tiêu diệt hàng trăm tên địch, vận động nhân dân không hợp tác, không đi lính cho địch; không đóng thuế, không đi chợ vùng địch, không làm tay sai cho địch, xây dựng hậu phương vững chắc để phục vụ kháng chiến, phong trào thi đua ái quốc, toàn dân hăng hái sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố Đảng và phát triển đảng viên. Tháng 12/1948, Đảng bộ huyện có 217 đảng viên, đến cuối 1949 tăng lên 2.686 đảng viên; củng cố chính quyền, phát động đợt học tập rèn cán, chỉnh quân, củng cố Mặt trận và các đoàn thể, đẩy mạnh phong trào đánh địch giữ vững vùng tự do, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, huy động sức người, sức của để phục vụ cho cuộc kháng chiến, đề ra biện pháp củng cố và xây dựng Đảng, xây dựng thực lực quân sự. Với khí thế cách mạng sôi nổi và lòng căm thù giặc sâu sắc, quân và dân Quế Sơn đã tổ chức nhiều trận tập kích bất ngờ vào sào huyệt của chúng để tiêu diệt sinh lực địch gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề. Năm 1950, ta có 3.747 đảng viên, đến cuối năm 1953 có 5.331 đảng viên. Trong 02 năm 1953-1954, ta có 1.500 thanh niên tham gia bộ đội phục vụ chiến trường, mỗi xã có từ 02 đến 03 đại đội dân công phục vụ hỏa tuyến, có 03 đến 05 đại đội phục vụ chiến trường trong tỉnh. Khi quân Pháp đánh chiếm Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc…, Quế Sơn trở thành điểm đến của hàng vạn đồng bào tản cư. Với tinh thần “tương thân tương trợ”, cán bộ, nhân dân Quế Sơn sẵn lòng tiếp đón, chia sẻ nơi ăn, chỗ ở, phương tiện sinh hoạt giúp đồng bào tản cư vượt qua khó khăn, cùng nhân dân huyện nhà ổn định cuộc sống, tăng gia sản xuất.
Suốt 09 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Quế Sơn vừa làm nhiệm vụ của một hậu phương, vừa làm nhiệm vụ của một tiền tuyến lớn trên chiến trường Trung Trung Bộ. Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đã cầm súng chiến đấu anh dũng, trường kỳ, tiến hành hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ. Nhân dân đóng góp cho kháng chiến trên 12.000 tấn thóc, 2,5kg vàng, 1.375kg đồng thau, trên 100 triệu đồng tiền mặt và hàng ngàn con trâu, bò…góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương.
Nhưng, Mỹ - một đế quốc giàu mạnh và hiếu chiến của chủ nghĩa tư bản không cam tâm thất bại đã nhảy vào hất cẳng Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện chính sách thực dân mới ở miền Nam. Trước tình hình mới, Huyện uỷ triển khai thực hiện chủ trương chuyển Đảng vào hoạt động bí mật, giải thể chính quyền, chuyển các tổ chức quần chúng thành các hội biến tướng để hoạt động, chuyển quân đội đi tập kết, tổ chức lại hệ thống chỉ đạo của Đảng từ huyện đến cơ sở với khoảng 113 chi bộ, mỗi chi bộ có từ 10 - 15 đảng viên, được chia thành nhiều tổ đảng độc lập, nhằm đảm bảo cho hoạt động bí mật. Từ một nơi tự do, Quế Sơn trở thành vùng địch chiếm đóng. Luật 10/59 của Mỹ - Diệm đã lê máy chém đi khắp nơi, ráo riết thực hiện chiêu bài “tố cộng”, “diệt cộng”, nhiều cán bộ, đảng viên bị địch bắt tra tấn, đánh đập dã man, chặt đầu, thủ tiêu… làm cho phong trào cách mạng gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng kẻ thù không ngờ tội ác man rợ của chúng lại là chất xúc tác mạnh, như ngọn lửa được đổ thêm dầu, làm nung nấu thêm lòng căm thù giặc sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ ta. Giữa lúc khó khăn, đen tối của phong trào cách mạng, lòng căm thù giặc đang dồn nén, được Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng soi đường, Huyện uỷ đã tập trung lãnh đạo nhân dân xây dựng lực lượng, chấn chỉnh, khôi phục phong trào, tiến hành đồng khởi giành chính quyền. Chỉ trong vòng 5 tháng (từ cuối tháng 01 đến đầu tháng 6 năm 1965) ta đã giải phóng được 22/29 xã, làm tan rã hệ thống “ấp chiến lược”, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy. Vượt qua thời kỳ khó khăn, Đảng bộ huyện có thêm nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc và từng bước trưởng thành hơn.
Thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, mở các cuộc hành quân “tìm diệt” và thực hiện chương trình “bình định” đầy nham hiểm và tàn khốc. Qua một thời gian chuẩn bị tinh thần, lực lượng, với quyết tâm của Đảng bộ và sự đồng lòng của nhân dân, chúng ta đã giữ vững thế trận chiến tranh nhân dân; đồng loạt mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; chiến công nối tiếp chiến công, những cuộc tấn công liên tục, mạnh mẽ của quân dân Quế Sơn nhất là chiến thắng Cấm Dơi (19/8/1972) góp phần cùng cả nước làm thất bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” và chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”; buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, rút quân về nước. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, Mỹ vẫn chưa từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta; chúng dùng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ để biến miền Nam - Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ và âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta.
Cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Quế Sơn lại bước vào giai đoạn đấu tranh đầy thử thách. Là vùng đất có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, với thế núi, thế sông hiểm trở, cùng với ý chí cách mạng kiên cường của nhân dân, Quế Sơn luôn được chọn làm căn cứ địa cách mạng vững chắc, địa điểm hoạt động an toàn của Đảng trong các cuộc kháng chiến. Thực tiễn đã chứng minh rằng: Trong bất kỳ tình huống khó khăn, gian khổ nào, quân và dân Quế Sơn vẫn nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất, quyết tâm chiến thắng kẻ thù, bảo vệ quê hương.
Tiếp nối truyền thống và thực hiện chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, những người con Quế Sơn, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã anh dũng chiến đấu giải phóng quê hương; với nhiều cuộc tiến công từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn. Tháng 7/1974 phối hợp cùng với bộ đội chủ lực, ta đã tấn công tiêu diệt các cứ điểm, giải phóng Nông Sơn - Trung Phước; tiến tới giải phóng hoàn toàn Quế Sơn vào ngày 26/3/1975. Những tên đất, tên làng như Gò Dê, Bà Rén, Mộc Bài, Động Mộng, Đá Hàm, Dương Là, Liệt Kiểm, Cấm Dơi, Hòn Chiêng, gắn liền với những chiến công hiển hách, tô thắm những trang sử vẻ vang của Đảng bộ; góp phần vào sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc.
Qua quá trình đấu tranh cách mạng từ ngày có Đảng đến năm 1975 cùng với phong trào chung của cả nước, Đảng bộ Quế Sơn đã đạt được những thành quả trên nhờ có những nhân tố cơ bản, đó là:       
- Đảng bộ quán triệt đường lối kháng chiến, phương châm đấu tranh chống ngoại xâm của Đảng và đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể ở địa phương.
- Phát huy được truyền thống yêu nước nồng nàn, với ý chí quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược, đập tan bè lũ tay sai, giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
- Nêu cao được tinh thần đoàn kết nhất trí - quân với dân một ý chí trong kháng chiến cứu nước.
 Cuộc chiến đấu nào cũng không tránh khỏi sự hy sinh, mất mát. Qua 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, toàn huyện có  7.064 liệt sĩ; 4.278 thương binh; hơn 5.300 liệt sĩ là con em của mọi miền Tổ quốc đến công tác, chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất Quế Sơn. Với cống hiến và hy sinh to lớn ấy, Đảng bộ, nhân dân Quế Sơn cùng 13 tập thể, 23 cá nhân đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân; 1.745 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; trên 29 ngàn người được tặng thưởng huân, huy chương các hạng và bằng khen thành tích kháng chiến. Thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mãi mãi tự hào về những chiến công oanh liệt, những hy sinh, cống hiến, những tấm gương kiên trung, bất khuất của cha anh.  
2. Đảng bộ và nhân dân huyện Quế Sơn tiến hành lãnh đạo xây dựng quê hương và tham gia bảo vệ Tổ quốc
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân huyện Quế Sơn hòa với niềm vui chung của cả nước. Bên cạnh đó, Đảng bộ, quân và dân trong huyện phải đương đầu với muôn vàn khó khăn: Trên các làng mạc, ruộng đồng đầy rẫy những vết đạn, hố bom, tiềm ẩn trong đó biết bao bom mìn, đạn pháo chưa nổ; hàng vạn người dân từ các khu dồn của Mỹ - Ngụy trở về trong tình cảnh không nhà cửa, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh hầu như không có. Tất cả đã đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân huyện nhà bài toán dường như khó có ngay lời giải. Song với chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, một lần nữa, Đảng bộ và nhân dân Quế Sơn lại tỏ rõ bản lĩnh cách mạng kiên cường, tinh thần cần cù lao động, thông minh, sáng tạo, dồn tâm sức khai hoang phục hoá, tăng gia sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Với sự nỗ lực không ngừng, Đảng bộ và nhân dân trong toàn huyện đã từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định đời sống cho nhân dân. Trong quá trình tổ chức, thực hiện, huyện Quế Sơn đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các mặt: kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - chính trị.
Ngày 25/4/1976, cùng với cả nước, nhân dân huyện Quế Sơn đã nô nức tham gia cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI đầu tiên sau ngày nước nhà thống nhất. Đảng đã tổ chức nhiều đợt học tập, quán triệt các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng. Trong đó, có Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa 3) về nhiệm vụ xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước. Kể từ năm 1976, huyện Quế Sơn đã có nhiều thay đổi quan trọng. Huyện ủy chỉ đạo, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào thực hiện nghĩa vụ lương thực cho Nhà nước, huy động hàng ngàn người và hàng ngàn ngày công làm đường, sửa chữa cầu cống, thông tuyến trục đường 105 (Nay là ĐT 611) và nhiều công trình phúc lợi dân sinh khác.
Tháng 10/1976, Đảng bộ huyện Quế Sơn tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XIV - Đại hội Đảng bộ lần đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đại hội đã khẳng định sự nỗ lực phi thường, tinh thần tự lực tự cường của quân và dân toàn huyện, từng bước vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả chiến tranh, thu được những thắng lợi bước đầu có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở vững chắc cho các bước tiếp theo. Đại hội khẳng định: “Nhiệm vụ trung tâm là khôi phục phát triển kinh tế toàn diện nhằm sản xuất ra hàng hóa, của cải vật chất, kỹ thuật ban đầu cho chủ nghĩa xã hội; phải phát huy hết tiềm năng của địa phương và tận dụng hết chi viện cấp trên”.
Đại hội đại biểu lần thứ XV (5/1979) đề ra nhiệm vụ: Tiếp tục khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố và xây dựng quan hệ sản xuất mới, nhiệm vụ trước mắt là tập trung chỉ đạo và phát triển những ngành mũi nhọn, sản xuất nhiều mặt hàng chủ lực của địa phương. Mặt khác, cùng với nhân dân trong tỉnh và cả nước, nhân dân Quế Sơn tích cực đóng góp nhân tài, vật lực cho công cuộc bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc. Toàn huyện, dấy lên một khí thế thi đua lao động sản xuất sôi nổi với tinh thần tất cả cho tiền tuyến; công việc cải tạo, xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp cơ bản hoàn thành 30/31 hợp tác xã vào cuối năm 1979. Trên mặt trận nông nghiệp, sản xuất đã ổn định; giá trị hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ 2,5 triệu đồng năm 1977, lên 9 triệu đồng năm 1979. Các lĩnh vực khác đạt nhiều thành tích đáng kể. Công tác xây dựng Đảng được tăng cường; phát triển đảng viên được chú trọng, nâng tổng số đảng viên toàn huyện lên 1.216 (năm 1979). Để ghi nhớ và lưu giữ cho đời sau những chiến công chói lọi của quân và dân Quế Sơn trong những năm đánh Mỹ, Huyện ủy quyết định xây dựng tượng đài chiến thắng trên đồi Cấm Dơi, nơi mà các lực lượng vũ trang đã nhiều lần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Công trình được khởi công (5/1981). Tượng đài chiến thắng Quế Sơn là một công trình lịch sử, văn hóa có giá trị truyền thống và cổ vũ, động viên Đảng bộ, nhân dân toàn huyện tiếp tục phấn đấu vươn lên trong thời kỳ mới.
Đảng bộ huyện Quế Sơn tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVI (11/1982), tập trung đánh giá những thành công và những thiếu sót của huyện trong 06 năm qua; vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa cải tạo, xây dựng xã hội mới. Đồng thời, tập trung vào những nhiệm vụ lớn như đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; tiếp tục củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nông nghiệp... Mặt khác, đề ra chỉ tiêu toàn huyện phấn đấu hoàn thành các mục tiêu về kinh tế nhất là trên mặt trận nông nghiệp được coi là mũi nhọn của Quế Sơn.
Giai đoạn từ 1975-1986, toàn huyện đã có nhiều chuyển biến trên tất cả các mặt: tổng sản lượng lương thực tăng từ 13.848 tấn (năm 1975) lên 58.000 tấn (năm 1984), bình quân lương thực đầu người từ 154,2kg (năm 1975) lên 509kg (năm 1984); từng bước tích lũy xây dựng một số cơ sở kinh tế phục vụ đời sống nhân dân. Những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân Quế Sơn đạt được trong giai đoạn này là tiền đề để những năm tiếp theo huyện nhà thực hiện kế hoạch và phát triển, bắt kịp với chủ trương của Đảng nhằm thay đổi bộ mặt đất nước trong giai đoạn tới.       
3. Quế Sơn thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu bước ngoặt trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội đã thổi luồng sinh khí mới đối với nhân dân cả nước, nhân dân toàn tỉnh Quảng Nam nói chung và nhân dân Quế Sơn nói riêng. Những chủ trương, chính sách mới của Đảng là ngọn đuốc soi đường cho Đảng bộ và nhân dân trong huyện từng bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng với nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi những mục tiêu cụ thể mà Đại hội VI đề ra. Để đạt được kết quả đó, Đảng bộ và nhân dân Quế Sơn không ngừng nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
 Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, huyện Quế Sơn đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nhất là trên lĩnh vực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, hiện đại và xây dựng Nông thôn mới. Tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ ngày càng tăng cao. Đối với nông nghiệp, huyện đã bố trí lại cơ cấu mùa vụ, tích cực tập trung đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Vận dụng sáng tạo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong công tác xây dựng cơ bản, huyện đã xây dựng được nhiều công trình trọng điểm như đường, trường, điện, bệnh viện và một số công trình phúc lợi khác. Công tác xây dựng Đảng có nhiều cố gắng, từng bước nâng cao chất lượng về mọi mặt. Những kết quả đạt được đó chứng tỏ sự nhận thức ngày càng rõ hơn về đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, cùng với việc quyết định những bước đi thích hợp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện. Chính những thành quả này tạo cho chúng ta niềm tin sâu sắc vào sự thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa những năm tiếp theo của huyện nhà.
III. THÀNH TỰU VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ RÚT RA QUA 90 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN QUẾ SƠN
Nhìn lại chặng đường 90 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ huyện, đặc biệt là từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đến nay, phát huy truyền thống anh hùng, cách mạng, toàn Đảng bộ và toàn dân huyện nhà đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ của các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Duy trì tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, an sinh xã hội được quan tâm đúng mức, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư mạnh mẽ làm cho bộ mặt của huyện thay đổi rõ nét. Những khu dồn, đồn, bốt địch với đầy rẫy bãi mìn, hố bom xưa kia đã nhường chỗ cho những xóm làng trù phú với những ngôi nhà khang trang của khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu hay những khu, cụm công nghiệp với các nhà máy, công trường có hàng ngàn công nhân làm việc mỗi ngày; những cánh đồng hoang hóa giờ đây được cải tạo thành những cánh đồng mẫu lớn sản xuất nông nghiệp hàng hóa với giá trị thu nhập hơn 100 triệu/ha/năm. Từ một huyện thường xuyên thiếu ăn, tỷ lệ đói, nghèo luôn ở mức cao của tỉnh, đến nay không còn hộ đói, hộ nghèo chỉ còn 4,31% dù chuẩn nghèo đã được nâng lên theo hướng đa chiều và nhiều hộ đã vươn lên khá, giàu. Từ một vùng nông thôn giao thông cách trở, đến năm 2020, có 100% hộ gia đình có điện thắp sáng, gần 100% có phương tiện nghe, nhìn và hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống giao thông được kết nối thông suốt liên vùng, liên xã; có trên 50% số xã (6/11) đạt chuẩn xã Nông thôn mới và là huyện đầu tiên của tỉnh có 2 thị trấn. Những thành quả trên có sự đóng góp không nhỏ của việc huyện nhà đã tập trung huy động tất cả các nguồn lực để cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cơ bản, chỉ tính riêng nhiệm kỳ 2015-2020 tổng nguồn vốn huy động đạt 5.805 tỷ đồng, trong đó vốn huy động cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới là 2.510 tỷ đồng, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất, với tổng giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm là 16,17%; Thu nhập thực tế bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 36 triệu đồng, tăng 15,9 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2015; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 12,12% năm 2015 xuống còn 4,31% năm 2019; tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm trên 98%;  100% giáo viên đạt và trên chuẩn; hệ thống trường lớp, trang thiết bị phục vụ dạy và học từng bước đáp ứng yêu cầu, đến nay, có 35/40 trường đạt chuẩn quốc gia và 22/40 trường được kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2, cấp độ 3; 100% xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế được đầu tư, đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%. Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện; phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở từng bước đi vào chiều sâu; quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, vững mạnh. Từ 05 đảng ủy, 18 chi bộ xã và 19 chi bộ cơ quan với 1.061 đảng viên sau ngày giải phóng, đến nay, mặc dù đã qua 02 lần điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập huyện Hiệp Đức và huyện Nông Sơn, nhưng đảng viên của Đảng bộ huyện vẫn không ngừng tăng về số lượng và chất lượng; hiện có 56 tổ chức cơ sở đảng (13 đảng bộ xã, thị trấn, 03 đảng bộ cơ quan và 40 chi bộ cơ sở) với trên 3.616 đảng viên. Vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động.
Trải qua 90 năm kể từ ngày thành lập với 25 kỳ đại hội, có lúc thăng trầm, thuận lợi, khó khăn, nhất là trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng bộ Quế Sơn đã gặp rất nhiều thách thức, đôi khi tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng chính trong những lúc nguy nan ấy lại sáng lên tinh thần và ý chí cách mạng kiên trung của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân quê hương đất Quế.
Kỷ niệm 90 năm thành lập, ôn lại quá trình lãnh đạo chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ huyện, chúng ta vô cùng tự hào về những thành quả mà Đảng bộ và nhân dân Quế Sơn đã đạt được trong chặng đường qua. Từ đó, giúp chúng ta càng thêm tin tưởng vào sự tất thắng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vào vai trò, năng lực, bản lĩnh và sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Càng tự hào về truyền thống lịch sử của Đảng bộ bao nhiêu, chúng ta càng thấy trách nhiệm nặng nề của Đảng bộ, của mỗi đảng viên đối với nhân dân huyện nhà trong thời gian đến.
Phát huy truyền thống văn hoá, yêu nước, cách mạng và hiếu học; bản chất cần cù, sáng tạo trong lao động và một lòng theo Đảng, bảo vệ Đảng của nhân dân Quế Sơn; chúng ta phải làm tất cả những gì để có một Quế Sơn giàu mạnh, nhân dân Quế Sơn có cuộc sống khá giả. Đó là việc khó đối với điều kiện của Quế Sơn nhưng là trách nhiệm với nhân dân, với lịch sử, chúng ta phải quyết tâm làm cho kỳ được.
Từ những thực tiễn đó đã cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, đó là: Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Để không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu, Đảng bộ Quế Sơn luôn kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giữ vững các nguyên lý của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, quản lý; giữ vững khối đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự phối hợp đồng bộ trong hệ thống chính trị để tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong xã hội. Đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, gắn với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng tổ chức đảng và đảng viên. Phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội, làm tốt công tác vận động quần chúng, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng.
 Qua 90 năm hoạt động, Đảng bộ không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt, đã vận dụng đúng đắn, linh hoạt và sáng tạo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào tình hình cụ thể của địa phương, đưa ra những chủ trương thích hợp, sát đúng với tình hình thực tế. Đặc biệt, trong hoà bình xây dựng, Đảng bộ huyện đã đoàn kết thống nhất một lòng, phấn đấu không mệt mỏi và gương mẫu trước quần chúng nhân dân, vận động nhân dân thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng đề ra.
                                      BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY QUẾ SƠN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Giới thiệu chung

Giới thiệu chung

Hương An là một xã thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh  Quảng Nam. Xã Hương An có diện tích 11,169 km², dân số năm 2008 là 6450 người, mật độ dân số đạt 623 người/km², dân số năm 2017 đạt 9.122 người. Trong đó dân số thường trú 8.202 người, dân số tạm trú 98 người và dân số...

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?

Văn bản pháp quy

971/QĐ-UBND

Quyết định số 971/QĐ-UBND ngày 28/3/2019 (Danh mục TTHC lĩnh vực Sở Nội vụ)

Thời gian đăng: 29/05/2019

lượt xem: 856 | lượt tải:294

Quyết định số 1258/QĐ-UBND

Danh mục Thủ tục hành chính cấp xã

Thời gian đăng: 16/05/2019

lượt xem: 912 | lượt tải:288

Quyết định số 1257/QĐ-UBND

Danh mục Thủ tục hành chính cấp huyện

Thời gian đăng: 16/05/2019

lượt xem: 1177 | lượt tải:380

1

Quyết định số 1171/QĐ-UBND ngày 22/4/2019 (Danh mục TTHC lĩnh vực Sở Nông nghiệp)

Thời gian đăng: 29/05/2019

lượt xem: 812 | lượt tải:269

989/QĐ-UBND

Quyết định số 989/QĐ-UBND ngày 29/3/2019 (Danh mục TTHC lĩnh vực Sở Nông nghiệp)

Thời gian đăng: 29/05/2019

lượt xem: 1433 | lượt tải:401
Liên kết huyện
duong day nong
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây